5/12/15

Hành trình chăm sóc con sinh non đầy gian nan của ông bố tự đỡ đẻ cho vợ

Tiếp nối những giây phút căng thẳng đến nghẹt thở khi tự tay đỡ đẻ cho vợ tại nhà của ông bố Phan Linh (hiện đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh) là một chuỗi ngày dài đầy gian nan trong hành trình chăm sóc bé Yuri sinh non bằng phương pháp kangaroo ở trong bệnh viện - một phương pháp chăm sóc trẻ sinh non rất hiệu quả. 

Không chỉ anh Phan Linh mà cả chị Cẩm Hằng - vợ anh đều đi hết từ ngỡ ngàng này đến lo âu khác. Mặc dù cả hai vợ chồng đều đã có kinh nghiệm khi chăm sóc anh trai Yuri là bé Guyn cũng sinh non ở 31 tuần 5 ngày, nhưng lần này, với bé Yuri, đó là một hành trình hoàn toàn khác và vất vả hơn nhiều. Nếu như anh Guyn có sức khỏe khá ổn từ sau khi ra khỏi bụng mẹ thì bé Yuri lại gặp phải hàng loạt những dấu hiệu bất ổn như khó ăn, giảm cân, đầy hơi, chướng bụng, ọc sữa và cả tím tái, quên thở...

27 ngày Yuri nằm trong bệnh viện là 27 ngày vợ chồng Phan Linh - Cẩm Hằng thay nhau chăm sóc con theo kiểu kangaroo. Anh Phan Linh đã phải nghỉ làm dài ngày để chăm sóc bé trong viện, đồng thời đi xin và bảo quản sữa mẹ cho bé bú, hỗ trợ vợ trong việc kích sữa cho con vì chị Hằng đã quá mệt mỏi, lo lắng mà có lúc gần như mất hết sữa...

Sinh non
Lần đầu ẵm em trên tay lòng mẹ nôn nao đến lạ, hai tay mẹ rung rung như thể chưa bao giờ mẹ nhìn thấy một sinh linh nhỏ bé thế này.

Khó khăn cứ tiếp nối khó khăn nhưng mỗi ngày, được nhìn thấy bé Yuri lanh lợi, hồng hào lên trông thấy là hai vợ chồng lại có động lực để cùng nhau cố gắng. 

Đầu giờ chiều 31/07/2015 ba mẹ đón em từ NICU ra kangaroo. Ba xin nghỉ làm dài ngày để cùng mẹ cận kề bên em.

Lần đầu ẵm em trên tay lòng mẹ nôn nao đến lạ, hai tay mẹ rung rung như thể chưa bao giờ mẹ nhìn thấy một sinh linh nhỏ bé thế này, bắp chân em như ngón tay mẹ vậy, da em còn nhăn nhúm, màu da hơi tím, hai bàn chân em tím ngắt, miệng gắn ống xông, tay còn gắn kim và chẳng có quần áo sơ sinh nào em mặc vừa cả. 

Theo lẽ thường, khi bé đủ khỏe để ra nuôi kangaroo thì ba/mẹ phải vào viện trước 1 ngày để học cách chăm sóc bé: cách cho bé ăn, cách massage, cách vệ sinh cho bé, cách sơ cứu khi bé tím tái hay ọc sữa... và mua những dụng cụ mà bệnh viện cho là cần thiết: thuốc bổ các loại cho bé, nước muối sinh lý, nhiệt kế, thuốc rơ miệng, tăm bông xoắn...

Càng phấn khởi đón em ra bao nhiêu thì bây giờ ba mẹ lại ngỡ ngàng bấy nhiêu vì không có gì như ba mẹ suy nghĩ và hình dung trước đó cả. Tuy ba mẹ đã có kinh nghiệm chăm anh Guyn, mẹ sinh anh Guyn lúc anh được 31 tuần thai 5 ngày, sức khỏe anh khá ổn nên mọi việc gần như thuận lợi ngay từ khi đón anh ra khỏi NICU về nhà, phản xạ bú, nuốt, thở của anh ổn, anh cũng rất hợp tác khi ba mẹ da kề da anh liên tục trong nhiều tháng, anh không bị đầy hơi, chướng bụng, ọc sữa cũng chẳng phải uống thuốc hay chích thuốc gì. Đúng nghĩa là anh Guyn chỉ ôm mẹ bú, bú và bú thôi, vậy nên với em ba mẹ đi từ ngỡ ngàng này đến âu lo khác.

Sinh non
Yuri được bố Linh kangaroo.

Đầu tiên, ngoài tinh thần sẵn sàng đón em ra, ba mẹ không biết những vật dụng gì cần thiết để mà chuẩn bị cả vì không được nhân viên y tế nào giải thích hay hướng dẫn gì hết, chỉ vỏn vẹn 1 câu là: "Đón bé xong ba mẹ nhớ vào phòng trực học cách chăm bé". Lớp học đông mà phòng thì nhỏ, đứng chen chúc nhau trong cái nắng oi bức buổi chiều, cũng may cả gần 2 tiếng đồng hồ vừa ấp em vừa học ba mẹ cũng theo kịp và mọi việc khá ổn. Lúc bác sĩ khám lần lượt cho từng bé để về phòng, đến lượt khám cho em, ống xông có vấn đề rồi bác tháo ra luôn, để em tập ăn bằng muỗng/ống tiêm nhỏ giọt và tập ti mẹ. Bác dặn nếu em không ăn được thì phải gắn lại ống xông. Đêm đầu tiên em ngủ ngon lành trên ngực mẹ. Mẹ phải thức em dậy mỗi khi đến cữ ăn.

Khó khăn tiếp theo của ba mẹ là việc cho em ăn dù bằng muỗng hay bằng ống tiêm nhỏ giọt vì phản xạ nuốt của em còn rất kém (các bé non tháng sinh trước 32 tuần thai các phản xạ mút, nuốt, thở không những chưa hoàn chỉnh mà còn rất rời rạc, có bé chưa mút được ti mẹ, có bé khi mút ra sữa nhưng bé lại quên nuốt khiến bé rất dễ sặc, có khi mút được vài cái bé phải dừng lại để thở vì mệt...). Thêm nữa, việc ăn của em những ngày trước đó hoàn toàn bị động và gần như không tiêu hao năng lượng (ăn bằng ống xông), giờ tháo ống xông đồng nghĩa với việc em phải tự thân vận động và tiêu hao năng lượng như một vận động viên marathon nên quả là không dễ tí nào, em như cô học trò đang học từng phản xạ một. 


Sinh non
Ba Phan Linh làm bộ câu sữa để Yuri ăn sữa dễ dàng hơn.

Một ngày đêm em ăn tổng cộng 16 cữ, 1 tiếng rưỡi em ăn 1 lần, một lần em ăn nhanh nhất cũng phải 30 phút có khi hơn tiếng đồng hồ. Ba mẹ gần như thức ròng rã ngày đêm với việc cho em ăn, chưa kể những lúc em khó chịu. Tuy nhiên, em đã khá lên từng chút từng chút những ngày sau đó, da em hồng hào lên khá nhanh dù việc đút cho em ăn vẫn còn khó khăn và việc tự bú của em chưa hiệu quả là mấy.

Những ngày này sữa mẹ rất dồi dào nên ngày nào anh Guyn cũng được ông/bà cho vào thăm em để bú. Anh bú no nê có khi quên cả ăn.

Khó khăn tiếp theo ba mẹ phải đối diện là em bắt đầu có những dấu hiệu bất ổn của 1 bé non tháng, mỗi lúc một nhiều với tần suất tăng dần, đó là: em có dấu hiệu giảm cân, đầy hơi, chướng bụng, ọc sữa và cả tím tái, quên thở. Việc ăn sữa của em càng khó khăn hơn, đích thân bác sĩ trưởng phụ trách khoa sơ sinh đút sữa bằng muỗng cho em ăn, em cũng tím tái thế nên em phải gắn lại ống xông. Kể từ đây ba mẹ gần như thức cả đêm lẫn ngày vì việc cho em ăn, 1 tiếng rưỡi mẹ vắt sữa 1 lần, sữa vắt xong sẽ được đổ vào ống tiêm 25ml, ống tiêm được gắn vào đầu ống xông, ống tiêm phải được giữ ở độ cao vừa phải sao cho lượng sữa chảy vào dạ dày của em không nhanh quá cũng không chậm quá, một người ấp em và 1 người cầm ống xông. Chưa hết, khi em ăn xong ống xông cần được vệ sinh sạch sẽ và bảo quản chu đáo tránh nhiễm khuẩn. Tóm lại việc em ăn bằng ống xông phức tạp và tốn nhiều thời gian hơn hẳn nên gần như ba mẹ thức trắng. 


Sinh non Yuri được bố Linh kangaroo.
Yuri nằm trên ngực mẹ.

Bên cạnh đó, thỉnh thoảng em tím tái nên luôn phải có thêm 1 người trông chừng để mắt em 24/24. Việc ăn bằng ống xông của em kéo dài ròng rã 2 tuần. Những tưởng em sẽ khá dần lên nhưng chưa, hiện tượng tím tái của em có vẻ nặng hơn, em phải cấp cứu và thở ôxi nhiều lần, tinh thần và sức khỏe ba mẹ cũng lên xuống theo em, ba gầy rộc hẳn đi, ông bà đứng ngồi không yên, mẹ stress hẳn kéo theo một khó khăn nữa ba mẹ phải đối diện là sữa mẹ gần như mất hẳn do vừa thức đêm vừa lo lắng cho sức khỏe của em, anh Guyn cũng ít được vào thăm em hơn, anh thèm ôm mẹ bú lắm. 

Một tuần sau em chính thức ăn sữa mẹ đi xin, một ngày đêm em ăn 16 cữ thì phải đến 10 cữ là sữa đi xin. Mẹ tích cực kích sữa cho em và anh Guyn. Ba đảm nhận thêm nhiện vụ bảo quản sữa đi xin, hâm nóng cho em trước mỗi cữ ăn và cả hỗ trợ mẹ trong việc kích sữa.

Một tuần sau, em bắt đầu có dấu hiệu ổn định và khá lên dù rất chậm nhưng là dấu hiệu đáng mừng, tinh thần ba mẹ cũng phấn chấn và có chút lạc quan theo, cân nặng em cũng dần tăng, sữa mẹ cũng bắt đầu khá dần. 2 ngày trước khi xuất viện em được tháo ống xông, em ti mẹ khá hơn nhưng ăn thêm bằng muỗng vẫn còn khó, thế nên ba mẹ lại tiếp tục suy nghĩ làm sao để em ăn hiệu quả hơn. 

Rất may bên cạnh ba mẹ luôn có bác chuyên gia sữa mẹ nên ba đã thành công trong việc làm bộ câu sữa từ ống xông, nhờ đó em ăn sữa hiệu quả và dễ dàng hơn đôi chút, em tăng cân đều và kha khá, em đạt cân nặng 1490gr, lanh lợi và hồng hào nên bác sĩ yêu cầu xuất viện. Kết thúc 27 ngày chăm sóc kangaroo. Chưa tự tin một mình chăm em ba mẹ xin ở lại thêm nhưng không được đồng ý, thế là em xuất viện trong lo lắng của cả nhà và chuỗi ngày khó khăn vẫn chưa khép lại.

* Mời độc giả đón đọc tiếp phần 3 - giai đoạn chăm sóc bé Yuri từ sau khi xuất viện trở về nhà của vợ chồng Phan Linh - Cẩm Hằng.

4/12/15

Những việc "ngớ ngẩn" chỉ người lần đầu làm mẹ mới làm
Bạn có thể nghĩ rằng tất cả bạn bè của mình thật ngớ ngẩn khi để cuộc sống bị đảo lộn sau khi sinh em bé thứ nhất. Nhưng đến lượt mình, lần đầu làm mẹ, bạn sẽ thấy đó là những việc phải làm và hoàn toàn bình thường.

Lần đầu làm mẹ

Ngay cả lúc thức hay đang lơ mơ ngủ gật, bạn vẫn luôn thường xuyên giật mình và lo lắng ghé sát mặt con kiểm tra xem con còn thở không. Ấy chính là một trong những biểu hiện của người lần đầu làm mẹ.

 tai nghe thai nhi tiptop kid

Lần đầu làm mẹ

Những người lần đầu làm mẹ sẽ thấy hoa mắt khi đứng trước các kệ đồ sơ sinh và họ thường sắm đủ các loại túi từ túi đựng quần áo, bình sữa, khăn giấy... mà vẫn thấy chưa đủ.

Lần đầu làm mẹ

Lần đầu làm mẹ, bạn thường nhìn những người lạ như thể họ mắc bệnh truyền nhiễm với suy nghĩ “Đừng có động vào con tôi”. Nhưng, thực tế, vi khuẩn cũng có mặt lợi. Các bác sỹ cho biết trẻ sống ở nông thôn có hệ miễn dịch tốt hơn trẻ ở thành phố. 

Lần đầu làm mẹ

Dùng máy rửa bát ư? Ồ, không, không phải cho người lần đầu làm mẹ. Nhưng khi sinh em bé thứ hai, bạn còn mải đuổi theo đứa thứ nhất và hoàn toàn quên mất việc khử trùng.

Lần đầu làm mẹ

Các bà mẹ luôn cảm thấy bị thiếu khăn, quần áo, chăn gối của trẻ. Vì thế máy giặt sẽ hoạt động hết công suất cả ngày.

Lần đầu làm mẹ

Không có mối đe dọa nào với những người mới làm mẹ hơn vi khuẩn. Và vi khuẩn từ chiếc xe đẩy hàng? Đơn giản thôi đó là một trong những điều tồi tệ nhất.

Lần đầu làm mẹ

Trẻ sơ sinh lớn rất nhanh nhưng những ai lần đầu làm mẹ đều không kiểm soát được việc mua quần áo cho con.

Lần đầu làm mẹ

Quần áo trẻ em rất dễ thương nhưng bé sẽ nhanh chóng phá hỏng chúng với nước dãi, sữa mẹ, sữa bột và chất thải dính lên. Tuy nhiên, những bà mẹ sinh con đầu lòng sẽ bất chấp điều này và luôn thích diện cho con những bộ đồ thật lộng lẫy.
MC Minh Trang: Chấp nhận bị dè bỉu chứ không để người lạ hôn con
Tiếp theo một loạt các bài viết chia sẻ cách nuôi dạy con hạnh phúc khiến hàng nghìn cha mẹ tâm đắc, trong một bài viết gần đây, MC Minh Trang - mẹ Daisy chia sẻ: "Mình chưa bao giờ thấy vui vẻ tự hào/ hãnh diện gì khi ở những nơi công cộng, trong thang máy, đi bộ ngoài phố... có những người lạ bước tới khen Daisy xinh/ dễ thương rồi thản nhiên đưa tay vuốt má con/ hôn má con/ kéo con lại để ôm. Ngược lại, mình đều nghiêm mặt, nhìn thẳng vào mắt họ và nhẹ nhàng nói "Xin lỗi cô/ chú/ anh/ chị/, xin đừng chạm vào con tôi".

Hành động thẳng thắn đó của mẹ Daisy không phải nhận được sự thấu hiểu và chia sẻ của tất cả mọi người, thậm chí phần lớn còn tỏ ra dè bỉu, bực tức vì thái độ "ghê gớm, chảnh". Tuy nhiên, theo mẹ Daisy thì đó là một hành động quan trọng các bố mẹ cần làm để bảo vệ con và cũng là để dạy con biết cách bảo vệ mình.

MC Minh Trang
Từ khi con biết nói (tức là khoảng hơn 1 tuổi), mẹ Daisy đã nói với con hàng ngày về "những vùng riêng tư" trên cơ thể con để dạy con cách tự bảo vệ mình. (Ảnh: FB Mẹ Daisy)

Dưới đây là những chia sẻ của mẹ Daisy về chủ đề này.

Thử tưởng tượng, bạn đang đi bộ, ngang qua một quán ăn có bày bàn ghế trên vỉa hè, tự dưng một ông mặt đỏ tía tai ngồi bàn nhậu, hơi thở vẫn nguyên mùi bia rượu thức ăn, vươn tay ra/tiến lại vuốt má bạn, rồi khen bạn xinh. Bạn sẽ nghĩ/làm gì? Tương tự với những người lạ trong thang máy, ở trung tâm thương mại, siêu thị... Bạn không thoải mái khi người khác chưa được phép mà đụng chạm vào cơ thể mình, tại sao lại tặc lưỡi chấp nhận hành động đó với con cái của mình? Chưa nói đến vấn đề vệ sinh (không thể biết nổi người lạ đó có bệnh về da/lây qua đường tiếp xúc/tay chân sạch sẽ vệ sinh) không, mà chỉ đơn giản, hãy nhớ về vô số những vụ bắt cóc thương tâm luôn khởi đầu với những kiểu lấy lòng và gần gũi trẻ con như thế (bắt chuyện, vuốt má, ôm, cho kẹo bánh...)

Ở Mỹ, trước khi sinh Daisy, mình đã được các bác sĩ nhắc đi nhắc lại về việc bảo đảm vệ sinh cho bé trước những người tới thăm, đặc biệt trong 3 tháng đầu đời. Cửa nhà nên để 1 chai dung dịch rửa tay sát khuẩn, để khách hay họ hàng ông bà tới chơi thì sát khuẩn tay trước khi bế/ôm con, hạn chế tối đa tiếp xúc với vùng mặt để đảm bảo con không bị lây những bệnh về hô hấp. Đã có những cái chết thương tâm của những em bé sơ sinh chết vì nụ hôn của những người đến thăm, thậm chí là người thân vậy nên đừng ngại khi đề nghị người tới thăm phải vệ sinh sạch sẽ trước khi tiếp xúc với con, hoặc góp ý thẳng thắn nếu bản thân bố mẹ không thoải mái với việc người lạ tiếp xúc với con mình.
Đó là chuyện khi con còn nhỏ. Đến quãng 1,5 tuổi trở lên, như Daisy là đã ý thức được dần dần về cuộc sống quanh con, học phân biệt tốt xấu hay dở rồi. Giờ bạn ấy 3 tuổi hơn, với những kiến thức đã biết được và những cuộc nói chuyện của 2 mẹ con, giờ bạn ấy hình thành rất rõ rệt quan điểm của bản thân về những chuyện nên/không nên. Ở lứa tuổi này, việc bố mẹ lờ đi, không nói chuyện, giải thích cụ thể cho con về những điều tốt xấu/nguy cơ, sẽ vô hình chung làm con hiểu và chấp nhận những nguy cơ đó một cách vô thức.

Ví dụ: trong quán ăn, nếu mới bước vào và đang chọn chỗ mà thấy khu vực có người đang hút thuốc lá, mình sẽ chủ động tránh và chọn một chỗ khác. Nếu đã ngồi trước, và có người đến sau mang thuốc lá ra hút, mình sẽ KHÔNG lẳng lặng chuyển sang bàn khác, mà lịch sự tiến lại, nói với người đó rằng trong phòng có trẻ nhỏ, nhờ người đó tắt thuốc lá. Sau đó, trở lại bàn, mình sẽ giải thích thêm cho Daisy về thuốc lá, và tác hại của thuốc lá, và vì sao thuốc lá hại như thế nhưng người lớn vẫn sử dụng... để bạn ấy hiểu và tự rút ra kết luận cho bản thân.

Đừng để con tự chứng kiến những điều phải/trái xung quanh con mà không có sự chia sẻ, giải thích, những cuộc nói chuyện để định hướng cho con về những gì đang diễn ra. Vì nếu bố mẹ không phải là người chỉ cho con đúng sai, thì xã hội ngoài kia với vô vàn sự lệch lạc tốt xấu sẽ tự dạy con về điều đó.

Ngoài ra, mình vẫn thường nói chuyện với Daisy về "sự riêng tư" bao gồm cả "private parts" (vùng riêng tư) của bạn ấy và quyền riêng tư cá nhân của bạn ấy. Daisy giờ đã quán triệt sâu sắc về việc TUYỆT ĐỐI không cho người nào ngoài bố mẹ được thấy "private parts" của bạn ấy, việc không được cho người lạ vuốt má, béo tai, đụng chạm vào tay chân, thân thể. Khi đi cùng bố mẹ, có người lạ và kể cả người quen biết muốn được ôm hôn con, đều phải hỏi ý kiến của con, và mẹ đều khuyên Daisy, hãy từ chối việc ôm hôn, thay vào đó, con hãy chìa tay ra và bắt tay mọi người.

Nhiều ý mình nói ở trên, mình tin rằng những người đã làm cha làm mẹ đều ý thức được, nhưng phần đông những người chưa có gia đình, chưa có con cái thường quá vô tư mà không hề biết". 


MC Minh Trang 1
Mẹ Daisy cũng từng chia sẻ, mong ước lớn nhất khi nuôi dạy con là mong con khỏe mạnh, vui vẻ, thành người tốt. Vì thế, chị cố gắng để nuôi dạy Daisy là một em bé vui vẻ, độc lập, suy nghĩ tích cực, biết yêu thương, chia sẻ với mọi người, và thế giới xung quanh con - một em bé hạnh phúc. (Ảnh: FB mẹ Daisy)

Một vài chia sẻ với mọi người khi tiếp xúc với trẻ nhỏ/gia đình có trẻ nhỏ:

  • Nếu không quen biết, hay vẫy tay chào bé, tránh va chạm cơ thể tối đa. Nếu muốn vuốt má, bắt tay, hãy xin phép bố mẹ và em bé. Tránh việc hôn bé ở vùng mặt, tuyệt đối không hôn môi.
  • Thận trọng với lời khen/chê/nhận xét: thay vì khen "ôi tai cháu nhìn thế kia sau này giàu to đây", hãy khen "con nhà chị có đôi tai đẹp quá". Thay vì khen "con bé này xinh thế kia sau này cho đi thi hoa hậu/có khối anh theo...", hãy khen "cháu bé dễ thương, đáng yêu quá". Nên chọn những lời khen chung chung, đừng tự nâng tầm hay kết luận hộ bé/bố mẹ bé. Tuyệt đối không nên "Con chị bụ quá/còi quá. Cháu bao nhiêu cân rồi?" vì còi hay bụ của bạn có thể khác với còi hay bụ của khoa học và của bố mẹ bé hoặc vô tình đặt thêm áp lực cho họ.
  • Đừng ban phát lời khuyên bừa bãi: việc này ít xảy ra với người lạ, mà lại hay gặp với người quen thân, nhất là khi bé có bị ốm sốt, vấn đề về sức khỏe. Hãy đừng nhìn bé có vài nốt đỏ rồi vội vàng đưa ra kết luận nọ kia, kèm theo 1 rổ lời khuyên về bôi thuốc gì, tắm lá gì, chữa mẹo nào. Bạn không phải là chuyên gia, và kể cả cách đó có đúng với con bạn (nếu có) thì nó cũng không hẳn đúng với các em bé khác. Hãy chỉ đưa ra lời khuyên khi được hỏi, kèm với những thông tin cụ thể về hoàn cảnh, điều kiện kèm theo khi áp dụng lời khuyên đó.
Chia sẻ với một số ý kiến của các bố mẹ về việc "nói thì dễ chứ thực hiện thì khó lắm vì ông bà, họ hàng ở quê không hiểu khiến việc nếu cứng nhắc thì sẽ gặp nhiều chuyện phiền toái lắm", mẹ Daisy cho rằng "chẳng có cách nào khác là mình nhẹ nhàng nói chuyện, giải thích dần dần để ông bà, họ hàng hiểu được, hoặc kể chuyện bâng quơ câu chuyện về một đứa bé con bạn bè/quen biết của em, gặp tình trạng tương tự và bị các hậu quả như thế nào, hay nói khéo léo với mọi người con đang bị làm sao đó ở miệng/da đang hơi kích ứng, mọi người chú ý giữ cho cháu không cháu bị dị ứng ..." bởi vì nuôi con là một  quá trình gian nan và phải rất kiên định.

Về việc dạy con biết cách tự bảo vệ bản thân từ nhỏ, mẹ Daisy cho rằng, trẻ con nhanh quên nên chuyện tự bảo vệ bản thân mình phải nói đi nói lại, bắt đầu từ khi con biết nói (đối với con, mẹ Daisy thực hiện từ lúc con 1 tuổi rưỡi, 2 tuổi) cứ hàng ngày lúc tắm rửa, giúp bé đi vệ sinh mình đều chỉ vào "vùng riêng tư" của con, nói với con, nhắc đi nhắc lại, lâu dần sẽ thành thói quen và ý thức của con. 

3/12/15

Clip: Bác sĩ Tây mách mẹ cách dỗ bé nín khóc bằng động tác siêu đơn giản
Các bà mẹ mới sinh thường cảm thấy “xé ruột xé gan” mỗi khi con khóc và đôi khi cảm thấy bất lực vì dỗ thế nào bé cũng không chịu nín. Mới đây một đoạn clip chia sẻ về bí quyết giúp dỗ bé nín khóc trong “tích tắc” sẽ là chiếc phao cứu sinh để các mẹ dùng trong những tình huống như vậy. Chỉ cần làm đúng như hướng dẫn, việc dỗ con khóc sẽ không còn là “nhiệm vụ bất khả thi” khiến bất kỳ ai cũng có thể trở thành mẹ đảm.

Kỹ thuật “The hold”

Bác sĩ Robert Hamilton với 30 năm kinh nghiệm làm việc ở khoa nhi, California, Mỹ tiết lộ kỹ thuật dỗ trẻ khóc đặc biệt có tên “The hold”. Kỹ thuật này rất đơn giản mà hiệu quả được ông áp dụng thành công cho rất nhiều trẻ sơ sinh. Bạn không cần phải hát ru, vỗ về hay “nịnh” trẻ, mà chỉ cần thực hiện động tác đơn giản như sau:

Bác sĩ Robert Hamilton chia sẻ phương pháp dỗ trẻ The Hold ông đã áp dụng thành công với rất nhiều trẻ sơ sinh.

Trước hết, khi bé đang khóc, hãy nâng bé lên, gập 2 tay trước ngực bé, đỡ bé nằm sấp trên tay bạn.

Clip: Bác sĩ Tây mách mẹ cách dỗ bé nín khóc chỉ bằng 4 động tác siêu đơn giản

Tay trái đỡ phần trên của bé, nên để quanh cằm bé, trong khi tay phải đỡ phần mông bé rồi nâng lên hạ xuống trên không một cách nhịp nhàng.

Clip: Bác sĩ Tây mách mẹ cách dỗ bé nín khóc chỉ bằng 4 động tác siêu đơn giản

Thỉnh thoảng hãy lắc nhẹ phần mông của bé, bé sẽ cảm thấy thoải mái và ngừng khóc rất nhanh.
Clip: Bác sĩ Tây mách mẹ cách dỗ bé nín khóc chỉ bằng 4 động tác siêu đơn giản

Có một lưu ý nhỏ là không nên đỡ bé ngồi thẳng đứng trên tay bạn vì sẽ rất dễ bị lật ngược ra sau, hãy đỡ bé nghiêng 45 độ. Kỹ thuật này đặc biệt hiệu nghiệm với trẻ từ 2 đến 3 tháng tuổi, vì nếu trẻ nặng hơn thì sẽ rất khó để bế bé theo cách này.

Hãy kiểm tra cả chi tiết nhỏ nhất bạn nghi ngờ khiến trẻ khóc.

Tuy vậy, bí kíp “the hold” này không thể áp dụng cho tất cả các trường hợp. Nếu không dùng được cách này, điều quan trọng các mẹ nên lưu ý đầu tiên là lý do khiến trẻ khóc để tìm cách “xử lý” cho phù hợp.

Thứ nhất, khi bé bị đói, bé có thể đưa tay lên miệng và khóc. Tã bẩn cũng là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ khó chịu và khóc. Nếu không phải, có thể trẻ quá nóng hoặc quá lạnh, thông thường bé có thể mặc số lớp quần áo ngang bằng với bạn, chú ý mặc thêm áo nếu bé bị lạnh và ngược lại.

Đôi khi trẻ khóc đơn giản vì muốn được chú ý.

Cũng có thể trẻ muốn “giải quyết” một số nhu cầu như ợ hay “xì hơi”. Trường hợp trẻ muốn ợ, hãy nhẹ nhàng vỗ lưng, hoặc thử gập đôi chân về phía bụng bé vài lần và làm động tác đạp chân trên không để giúp trẻ  “xì hơi”. Đôi khi trẻ khóc đơn giản vì muốn được chú ý, hãy thử giao tiếp bằng mắt và nói chuyện với bé, hoặc đưa bé tới một căn phòng khác để thay đổi không khí. Hãy kiểm tra quanh người bé một cách kỹ càng những gì bạn nghi ngờ, có thể có tóc quấn ngón tay bé chẳng hạn.
Các mẹ cũng cần chú ý tới tiếng khóc của trẻ, nếu tiếng khóc khác với mọi khi, bạn có thể đo nhiệt độ và hỏi bác sĩ vì rất có thể trẻ đang bị bệnh.

(Nguồn: babycenter, truefeed)


Liên kết hữu ích cho bà bầu: Tai nghe bà bầu Tiptop Kid Music, tai nghe cho thai nhi

2/12/15

Bố Việt tự tay đỡ đẻ cho con sinh non nằm trong bọc ối (P.2)
Mời các mẹ đón đọc Phần 1: Bố Việt tự tay đỡ đẻ cho con sinh non nằm trong bọc ối tại đây.
Phần 2:

23/07/2015

Thứ 5, sáng cả nhà vô thăm, có lẽ ai cũng nóng lòng muốn biết tình hình em. Anh Guyn mừng rỡ khi được ôm mẹ bú. Còn em hiện đang nằm lồng kính, thở CPAP, theo dõi dịch dạ dày và truyền chất dinh dưỡng qua cuống rốn, bác sĩ hứa khi nào em ăn được sữa mẹ sẽ báo cho người nhà biết. Ba xin nghỉ làm dài ngày để theo dõi sát sao tình hình của em.

24/07/2015

4 giờ chiều (sau 45 tiếng đồng hồ) em ăn được cữ sữa đầu tiên (1ml sữa non mẹ vắt vào ống tiêm) qua ống thông dạ dày (thỉnh thoảng bệnh viện gọi là ống xông) trước sự chứng kiến của ba, 7 giờ tối ba mang cữ thứ 2 đến cho em thì bị từ chối với lý do bệnh viện không nhận sữa cho các cữ đêm. Ba nhỏ nhẹ nói luật với các cô, không được đồng ý ba đã to tiếng và rất kiên quyết nên cuối cùng được chấp nhận với sự xuất hiện của bác sĩ phó khoa, bác dặn: "Gia đình cứ mang sữa vào nếu có bất kỳ ai làm khó thì cứ nói là bác phó khoa và ban chủ nhiệm khoa đã đồng ý rồi.", kể từ đó các cữ sữa đêm của em trở nên dễ dàng hơn. Các cô còn cẩn thận ghi trên nôi của em là: "Bé ăn sữa mẹ hoàn toàn, cữ đêm vẫn nhận sữa mẹ.", trong hồ sơ của em cũng được ghi chú cẩn thận: "Bú sữa mẹ hoàn toàn".

Yên tâm về vấn đề sữa mẹ, vấn đề bây giờ là sức khỏe của em. Gần như mỗi ngày mẹ đều cập nhật tình trạng em qua bác sĩ (bác này em Mi Sa giới thiệu cho mẹ, bác chuyên về hồi sức cấp cứu cho các bé non tháng). Tối nay anh Guyn ngủ cùng mẹ ở bệnh viện.

Nhật ký sinh non: Em đã lớn trên ngực mẹ thế nào? - 1
Bé YuRi khi chào đời chỉ nặng 1100gr và hiện tại đã được hơn 4 tháng với cân nặng 3600gr.

25/07/2015

Sáng khám bác sĩ nói mẹ xuất viện vì em sẽ phải ở lại lâu. Mẹ xin vào nhìn em nhưng bị từ chối. Mẹ nán lại đến cữ sữa 7 giờ tối của em xong mới về.

Tối 25/07/2015 - Trưa 31/07/2015

Ba trở thành anh chàng giao "sữa mẹ" cho em, 3 tiếng em ăn 1 lần, 8 cữ cho cả ngày và đêm, ba đều đặn mang sữa vào cho em, không kể trời mưa hay nắng, không kể ban ngày hay ban đêm, 1 giờ sáng hay 1 giờ trưa, 4 giờ chiều hay 4 giờ sáng. Lượng sữa em ăn bắt đầu tăng 1ml lên 2ml rồi 3ml. Sang ngày thứ 7 sau sinh (29/07) nhịp thở của em khá lên, em tập cai CPAP để thở thường. Tiêu hóa của em tốt hơn, em có thể ăn được 5ml rồi, những ngày sau lượng sữa mỗi cữ của em tăng dần 10ml, rồi 15ml và 20ml. Với tình hình này ba mẹ càng hi vọng em sớm được ra kangaroo.

3 giờ sáng 31/07 trời mưa to, như thường lệ ba mang sữa vào bệnh viện cho cữ 4 giờ sáng của em, cô trực thông báo em đã khá lên nhiều và sẽ được ra kangaroo sớm thôi. Ba xin cho em ra luôn chiều hôm đó và được đồng ý. Đầu giờ chiều mẹ đón em ra, nhìn em mà cổ họng mẹ nghẹn lại, em bé quá, da em còn nhăn lắm, 2 bàn chân em tím ngắt à, thương em quá và... chuỗi ngày khó khăn những tưởng sẽ bớt nhưng ngược lại. Ba mẹ thay phiên nhau kangaroo em 24/24. Ông bà nội ngoại, bác, chú, cô, mợ, các cháu thay phiên nhau lo công tác hậu cần.

Trưa 31/07/2015 - 06/08/2015

Em hồng hào lên thấy rõ dù việc cho em ăn không dễ tý nào (em được đút ăn bằng ống tiêm nhỏ giọt và bằng muỗng) vì các bé non tháng dưới 32 tuần thai chưa có phản xạ nuốt, thêm nữa việc ăn những ngày trước đó của em hoàn toàn bị động (ăn qua ống xông), sang ngày thứ 8 em bắt đầu có những hiện tượng điển hình của các bé non tháng: tím tái, quên thở.

07/08/2015 - 14/08/2015

Em phải cấp cứu và thở ôxy nhiều lần vì tím tái và quên thở. Ba và mẹ bắt đầu stress vì lo lắng cho sức khỏe của em và đuối vì thức cả ngày lẫn đêm cho 16 cữ ăn cả ngày lẫn đêm của em (đều đặn 1 tiếng rưỡi em ăn 1 lần). Kể từ đó luôn phải có 1 người trông chừng em, để mắt đến em 24/24. May mắn ba mẹ là có ông bà, anh em hai bên thay phiên cho. Sức khỏe em lên xuống, ba hốc hác hẳn đi và dĩ nhiên ông bà cũng đứng ngồi không yên nhưng có lẽ mẹ là người bị ảnh hưởng nhất, cả thể chất lẫn tinh thần: vừa kiệt sức vừa cạn sữa. Có cữ mẹ chỉ vắt được 5ml trong khi em ăn 15ml. Mẹ cố lạc quan để có sữa cho em nhưng không biết nhìn vào đâu để lạc quan.

15/08/2015 - 16/08/2015

Khó khăn lắm mẹ mới vắt đủ sữa cho mỗi cữ ăn của em. Chuỗi ngày đi xin sữa cho em và chuỗi ngày kích sữa của mẹ bắt đầu từ đó.

Nhật ký sinh non: Em đã lớn trên ngực mẹ thế nào? - 2
Gia đình hạnh phúc của chị Cẩm Hằng.
17/08/2015 - 22/08/2015

Chị dâu từ quê vào giúp ba mẹ chăm em, chị cũng là người nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ nên việc đi xin sữa các mẹ trong bệnh viện cho em gần như do chị đảm nhận. Sữa cho anh Guyn mẹ xin các mẹ ngoài. 1 ngày em ăn 16 cữ thì phải đến 10 cữ là sữa đi xin. Thời gian này anh Guyn chỉ được vào viện thăm em và mẹ, anh thèm bú mẹ lắm. Mẹ tích cực kích sữa cho em và anh Guyn.

23/08/2015 - 24/08/2015

Chị dâu về mẹ đảm nhận việc xin sữa cho em. Mẹ tích cực tập cho em nút ti dù miệng đang gắn ống xông, phản xạ nuốt của em cũng tiến bộ hơn, ba mẹ hi vọng em sớm cai ống xông để ti mẹ được nhiều hơn.

25/08/2015 - 26/08/2015

Em cai ống xông, tập ti mẹ, ăn thêm bằng bộ câu sữa ba chế từ ống xông, em tăng cân kha khá nên sáng 26 khám xong bác sĩ quyết định cho em xuất viện dù ba mẹ chưa sẵn sàng. Tổng cộng 27 ngày nằm kangaroo em đạt cân nặng 1490gr. Ba mẹ xin ở lại thêm vài ngày vì em có vẻ hơi lừ đừ và biểu hiện lười bú từ buổi trưa, không được đồng ý thế là em xuất viện trong lo lắng của cả nhà. Hơn 5 giờ chiều về đến nhà thì 9 giờ 30 tối em khăn gói quay lại bệnh viện trong tình trạng lừ đừ và gần như không muốn bú. Bác sĩ khám nói em ổn vì vào đến nơi trông em hoạt bát lanh lợi hẳn ra. Mẹ lo nên xin ở lại 1 đêm để theo dõi, em phải gắn lại ống xông để ăn được nhiều sữa hơn.

11h30 đêm em ăn xong cữ sữa đầu ở bệnh viện, khoảng 10 phút sau em tím tái, búng gót chân và xoa tim em vẫn không khá lên tí nào, hoảng quá mẹ ẵm em chạy lên buồng trực, ông ngoại chạy theo (ba đang trên đường vào), cửa phòng khóa không có ai trực cả, mẹ ôm em chạy thẳng vào khu vực NICU tìm sự giúp đỡ. Lúc này em tái nhợt hẳn đi, tay chân mềm nhũn ra, thở rất khó (chưa lần nào em tím tái nặng như vậy). Đợi mãi bác sĩ trực mới chịu ra khám cho em (chính là bác lúc nãy khám nói em ổn). Bác yêu cầu mẹ gửi em vào lại NICU em cần được thở ôxy và phải đợi sáng mai mới chẩn đoán cụ thể để biết tình hình. Gửi em lại mà lòng mẹ thẫn thờ, ông ngoại đứng ngồi không yên, ba đổ sụp xuống ghế khi biết tình hình. Đêm đó ba và mẹ đã thống nhất tư tưởng, chuẩn bị tâm lý trong nước mắt rằng dù điều xấu nhất đến với em thì cũng phải vui vẻ chấp nhận vì những gì có thể làm thì ba mẹ cũng đã làm, những gì có thể cố ba mẹ cũng đã cố hết sức rồi. Phần còn lại cậy trông, phó thác cho Chúa thôi. Ba và ông ngoại ngủ vì quá mệt, mẹ gần như không ngủ được, sữa mẹ chỉ mới khá lên giờ gần như quay lại vạch xuất phát, may mà mẹ vẫn đủ sữa cho cữ đêm của em, mẹ lại hì hục vắt sữa mang vào cho em.

27/08/2015

Cữ 7 giờ sáng em ăn sữa mẹ đi xin. Mãi đến 2 giờ chiều bác sĩ mới gọi mẹ vào để thông báo tình hình em, bác nói em sẽ phải ở lại lâu vì viêm phổi và viêm ruột, trước mắt em sẽ phải ngưng ăn để điều trị viêm ruột. Phác đồ điều trị sẽ kéo dài từ 10 ngày đến 2 tuần, tùy vào khả năng đáp ứng thuốc của em. Bác khuyên mẹ nên trả phòng về nhà nghỉ ngơi vì lúc này nhìn mẹ rất tệ. Một lần nữa mẹ phải xa em, nhìn em qua ô cửa kính lòng mẹ nghẹn lại, nước mắt mẹ lại tuôn, em nằm đó cạnh bình ôxy trông bơ vơ quá, da em nhợt nhạt hẳn đi, thương em quá em ơi. Mẹ bước đi trong thẫn thờ, cố gạt nước mắt, vào nhà vệ sinh mẹ nấc lên thành tiếng, bình tâm lại mẹ ra thông báo cho ông ngoại và ba rồi xếp hành lý rời bệnh viện.

28/08/2015

Ba mẹ và cả nhà mong tin em từng giây...

29/08/2015

Em cai thở ôxy và bắt đầu ăn được sữa, bắt đầu lại từ 5ml. Mẹ tích cực kích sữa, cộng thêm anh Guyn bú tích cực, sữa mẹ khá dần lên. Ba mẹ lại tiếp tục hành trình mang sữa cho em.

Trưa 29/08/2015 - 06/09/2015

Ba mẹ như những chú chim cần mẫn thay phiên nhau mang sữa cho em. Hình ảnh mẹ ngồi vắt sữa ở góc hành lang bệnh viện trở nên quen thuộc với các cô trực. Bóng dáng ba mang sữa vào tận phòng cho em trở nên lẽ dĩ nhiên với các cô chăm em.

07/09/2015

Ngày thứ 12 của đợt điều trị bác sĩ nói mẹ chuẩn bị tinh thần đón em ra để tập bú vì nằm trong đó em bú bình giỏi rồi.

08/09/2014 - 09/09/2015

Mẹ khăn gói vào viện với em, đón em ra ôm em vào lòng mà sữa mẹ tràn trề, lâu lắm rồi mới lặp lại cảnh em ti 1 bên và 1 bên sữa chảy, tuy nhiên em vẫn phải ăn thêm bằng muỗng. Sữa căng quá mẹ vắt về cho anh Guyn. Xong đợt điều trị kéo dài 14 ngày của em.

10/09/2015

Em được khám lại từ sáng sớm, buồn thay em vẫn chưa ổn, bác sĩ nói có vẻ như em không đáp ứng thuốc, giờ phải đổi thuốc và thế là em phải bắt đầu lại với 1 phác đồ điều trị mới. Một lần nữa mẹ phải gởi em lại NICU, lần nào xa em lòng mẹ cũng tê tái. Mới ôm em được mấy ngày giờ lại phải xa em. Hành trình đưa sữa ngày đêm của ba và mẹ lại tiếp tục.

11/09/2015 - 19/09/2015

Ngày nào mẹ cũng vào thăm em, có khi 4 lần. Nhìn em mà xót xa quá nửa đầu em chẳng còn cọng tóc nào. Cô trực trấn an mẹ rằng tay chân bé hết chỗ lấy ven nên phải cạo tóc. Mẹ thương em quá lần nào vào em cũng đang chích thuốc, truyền thuốc, bơm thuốc chậm... Nhìn em đau chẳng ai vỗ về, em khóc chẳng ai dỗ dành lòng mẹ đau ơi là đau. Em bé tẹo thế kia mà một ngày chích 4 hoặc 5 lần toàn kim với thuốc bao quanh, hết kim gắn ở tay xuống chân rồi lên đầu. Thấm thoát 10 ngày em nằm điều trị trôi qua.

Nhật ký sinh non: Em đã lớn trên ngực mẹ thế nào? - 3
Hiện tại chị Hằng đang cho 2 con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ.

20/09/2015

Bác sĩ lại gọi mẹ vào đón em ra để em được gần mẹ và tập bú. Xét nghiệm máu cho thấy em thiếu máu nên phải ở lại thêm 1 ngày để truyền máu.

21/09/2015

Ra với mẹ được 1 ngày em tăng 100gr, lúc này em nặng 1900gr (kỷ lục nhất, các bé kangaroo thường tăng từ 15-20gr/kg). Em khá ổn nên ngưng chích thuốc.

Chiều 24/09/2015

Em xuất viện khi ba mẹ đã sẵn sàng. Về nhà ba mẹ vẫn tích cực da kề da với em mọi lúc mọi nơi. Em hay ọc sữa và vẫn còn hơi tím mỗi khi ho hoặc nuốt sữa không kịp, cả nhà tiếp tục thay phiên nhau 24/24 để mắt tới em.

25/09/2015 - 15/10/2015

Mỗi tuần em tái khám 1 lần theo lịch hẹn của bệnh viện dành cho các bé trong chương trình chăm sóc kangaroo. Em tăng cân rất khiêm tốn trong 3 tuần này, mỗi tuần 100gr, mẹ khá căng thẳng nên gọi bác Hồng suốt. Em 2200gr sau 3 tuần về nhà, rồi bác sĩ hẹn mỗi tháng khám 1 lần.

Bước qua tuần thứ 4 em tăng cân tốt, ba mẹ vẫn da kề da với em miễn là em hợp tác. Em đã bớt tím hơn, dài hơn và nặng hơn.

Và em của ngày hôm nay 4 tháng 7 ngày dài 52cm, vòng đầu 38cm, nặng 3600gr, vẫn còn rất khiêm tốn nhưng tạ ơn Chúa tất cả là hồng ân. Hàng ngày mẹ vẫn da kề da với em nhiều nhất có thể, ba vẫn tranh thủ chơi với em khi ở nhà, anh Guyn vẫn bú cùng em, em đã nhận ra tiếng mẹ, biết khóc đòi bế và đang khám phá thế giới xung quanh, tóc em cũng đã mọc khá tươm tất. Em đã chính thức có 2 cái tên (tên thánh và tên gọi), có 2 người mẹ (mẹ đỡ đầu và mẹ).

**Chặng đường em qua luôn có sự đồng hành của Chúa - chúng con xin tạ ơn Người, có ông bà anh em hai bên gia đình ở bên - gia đình chúng con cảm ơn cả nhà, có chị sao Phương Hồng Nhất Lê đồng hành - gia đình tụi em chân thành cảm ơn chị, có sự động viên/thăm hỏi của anh chị em bạn bè gần xa và cả những người chưa từng gặp mặt - cả nhà tớ cảm ơn các bạn!

1/12/15

Một ngày quay cuồng với bỉm sữa của gia đình có em bé mới sinh
Vừa phải dành thời gian cho bé lớn, vừa phải chăm sóc em bé mới sinh, cuộc sống sau khi chào đón thêm thành viên mới của gia đình này sẽ như thế nào? Cùng chúng tôi bỏ ra 1 ngày để "theo dõi" họ nhé!

cuộc sống của gia đình có con mới sinh 1
Bé gái Teagan (4 tuổi) vừa lên chức chị. Teagan đang âu yếm hôn em mình khi mẹ và em vừa từ bênh viện trở về.


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 2
5 giờ 52 phút. Bố Scott là người thức dậy đầu tiên. Ông bố 2 con khởi đầu ngày mới với 1 tách cafe. 


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 3
7 giờ 5 phút, bé lớn Teagan thức giấc và đang nũng nịu với mẹ ở trên giường. 


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 4
7 giờ 10 phút, bố Scott bế bé Rowan ra khỏi cũi và đặt bé vào nôi, bắt đầu 1 ngày mới của cô bé. Mẹ Casey cho biết: "Scott là một ông bố tuyệt vời. Anh ấy đã học được rất nhiều điều khi chăm sóc bé đầu lòng Teagan và bây giờ có thể áp dụng những kinh nghiệm đó với bé Rowan". 


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 5
7 giờ 11 phút, bố Scott thay bỉm lần đầu tiên trong ngày cho con. 


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 6
7 giờ 21 phút, Rowan đang bú mẹ - bữa sáng đầu tiên của cô bé tại nhà. Khoảng 7 giờ 40 phút, y tá sẽ đến nhà giúp bé ợ hơi và hướng dẫn bố mẹ cách vỗ ợ hơi cho bé sau khi ăn. 


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 7
7 giờ 50 phút, trong khi bé Rowan đang nằm chơi ngoan trong nôi, mẹ Casey ăn sáng cùng con gái lớn. 


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 8
Sau bữa sáng, mẹ Casey địu bé Rowan bên mình và cùng làm 1 số việc với Teagan.


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 9
8 giờ 32 phút, mẹ Casey hút sữa bằng máy hút sữa trong khi bố Scott đang trông Rowan. Casey muốn dự trữ một lượng sữa mẹ trong tủ đông để phòng những khi vắng nhà con vẫn được bú sữa mẹ.


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 10
9 giờ, Rowan ngủ thiếp đi trong vòng tay của bố cho đến khoảng 9 giờ 30 phút.


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 11
Trong khi Rowan ngủ, mẹ Casey cho Teagan đánh răng và chải đầu cho con gái, chuẩn bị cho cô bé đến trường.


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 12
9 giờ 28 phút, bé Rowan lại được thay bỉm. Mỗi em bé sơ sinh cần thay khoảng 10 chiếc bỉm/ ngày.


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 13
9 giờ 34 phút. Teagan nói lời tạm biệt em gái trước khi đi chơi vườn bách thú với cô trông trẻ. Gia đình Scott thuê người trông trẻ 2-3 ngày/ tuần, mỗi lần khoảng 2-4 tiếng.


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 14
9 giờ 42 phút, cô ý tá hỏi thăm tình hình của 2 mẹ con qua điện thoại. 


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 15
10 giờ, bé Rowan ngủ thiếp đi trong nôi. Mẹ Casey tranh thủ giải quyết một số việc.


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 16
10 giờ 15 phút. Mẹ Casey cho Rowan tập Tummy time - phương pháp giúp bé sơ sinh nằm sấp để phát triển cơ bắp, giác quan, phòng ngừa hội chứng đầu phẳng (bẹp đầu) và tốt cho dạ dày.


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 17
10 giờ 28 phút. Rowan lại được thay bỉm lần thứ 3 trong ngày. 


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 18
10 giờ 40 phút. Mẹ Casey địu con đi bộ trong công viên. Bé Rowan đã ngủ gật khi cùng mẹ đi dạo.


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 19
11 giờ 52 phút. Hai mẹ con trở về nhà và Rowan bú mẹ.


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 20
12 giờ 15 phút. Sau mỗi bữa ăn sẽ là thời điểm cần thay bỉm. 


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 21
12 giờ 49 phút. Rowan nằm chơi ngoan trong nôi cho mẹ ăn trưa.


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 22
13 giờ 4 phút. Mẹ Casey ghi lại lịch trình ăn, ngủ, thay tã của Rowan.


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 23
13 giờ 11 phút là giờ Tummy time. Bé Rowan có vẻ hứng thú hơn với bài tập này. 


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 24
13 giờ 29 phút, bé Rowan ngủ thiếp đi trong vòng tay của mẹ.


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 25
13 giờ 47 phút, bố Scott lại một lần nữa thay bỉm cho con.


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 26
14 giờ 4 phút, bé Rowan nằm ngủ ngoan trong cũi của mình. 


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 27
14 giờ 31 phút, lại một chiếc bỉm nữa cần được thay.


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 28
14 giờ 41 phút, sau khi thay bỉm bé Rowan có vẻ đói nên lại được mẹ cho bú.


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 29
14 giờ 55 phút, chị gái Teagan đã về nhà sau khi đi chơi vườn bách thú. Cô bé giúp mẹ thu hoạch rau từ khu vườn sau nhà để chuẩn bị cho bữa tối.


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 30
15 giờ 37 phút, trong khi bé Rowan đang có một giấc ngủ ngắn trên ghế sofa thì chị gái Teagan tranh thủ nũng nịu mẹ khi rảnh tay trông em ở gần đó. 


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 31
15 giờ 56 phút, bé Rowan lại bú mẹ. 


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 32
16 giờ 15 phút, hai mẹ con chuẩn bị làm bữa tối cho cả nhà. 


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 33
16 giờ 47 phút, mẹ cho Rowan tắm trong bồn rửa bát ở nhà bếp...


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 34
Trong khi đó, Teagan giúp bố một số việc trong kho và cô bé tìm thấy chiếc scooter của mình. 


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 35
18 giờ 3 phút, bữa tối đã sẵn sàng. Mẹ Casey địu con để có thể rảnh tay dùng bữa tối. 


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 36
19 giờ 30 phút, bố đọc cho Teagan nghe một câu chuyện trước khi đi ngủ. 


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 37
20 giờ 15 phút, bé Rowan cũng bắt đầu đi ngủ. Cô bé sẽ ngủ khoảng 5-7 tiếng rồi lại thức dậy bú mẹ. 


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 38
21 giờ 30 phút, cả nhà đã ngon giấc.


cuộc sống của gia đình có con mới sinh 39
1 giờ 40 phút sáng, Rowan tỉnh dậy vì đói. Bé được mẹ bế vào giường cho bú, sau khi bú no sẽ đặt trở lại nôi. Thường Rowan sẽ ngủ lại cho đến 7 giờ sáng hôm sau thì thức giấc.